ĐĂNG KÝ NHẬN ƯU ĐÃI




    HỘI THẢO “GÓC NHÌN TOÀN CẦU TỪ NHÀ ĐẦU TƯ KHỞI NGHIỆP”

    Hội thảo “Góc nhìn toàn cầu từ các nhà đầu tư khởi nghiệp” hân hạnh đón tiếp các vị khách quý: Ông Phan Hùng Dũng – Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng – CEO BSSC, Ông Yoshiki Sasaki – CEO Quỹ Japan Strategic Capital, Ông Vũ Ngọc Châu – CEO JAVIS Ventures, Ông Lê Đăng Khoa – Chủ tịch Le Group Ventures, Bà Nguyễn Quỳnh Anh – Program Manager của Swiss EP.

    Ông Phan Hùng Dũng – Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn phát biểu khai mạc hội thảo. CLB Doanh nhân Sài Gòn phối hợp với BSSC, Quỹ đầu tư JAVIS tổ chức hội thảo “Góc nhìn toàn cầu từ nhà đầu tư khởi nghiệp” chia sẻ cách đầu tư vào một startup hiệu quả, kỹ năng để startup kêu gọi vốn thành công.

    CEO Phan Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Fiore Group

    Theo các số liệu báo cáo, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đứng thứ ba về độ hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, chỉ sau Singapore và Indonesia. Bà Nguyễn Quỳnh Anh – Program Manager của Swiss EP chia sẻ Keynote của hội thảo.

    Thời gian gần đây chúng ta đã nghe rất nhiều các khái niệm về startup, hệ sinh thái khởi nghiệp, đầu tư khởi nghiệp. Các doanh nhân tự hỏi vì sao nên đầu tư vào khởi nghiệp và nếu quan tâm việc đầu tư khởi nghiệp thì đầu tư thế nào để hiệu quả? Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện tại, chúng ta đã thấy đầy đủ các thành phần tham gia từ chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các quỹ đầu tư Việt Nam và quốc tế, các tổ chức/cá nhân hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp….Số liệu thống kê rất tích cực cho thấy Việt Nam hiện có số lượng startup trên đầu dân cao vì Việt Nam hiện là thị trường rất lý tưởng cho khởi nghiệp: chủ trương chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của chính phủ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ và rộng khắp của các tổ chức/cá nhân hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, dân số trẻ và trình độ cao cung cấp lực lượng lao động chất lượng với tư duy sáng tạo và đồng thời là thị trường rất tiềm năng cho các sản phẩm/dịch vụ khởi nghiệp khi sẵn sàng thử sản phẩm/dịch vụ mới. Một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là các chương trình tăng tốc khởi nghiệp được chú trọng đầu tư bài bản, quy mô và chất lượng giúp các dự án nhận được các khoản đầu tư giá trị cao từ các Qũy đầu tư mạo hiểm và vào sâu hơn trong các vòng gọi vốn như Tiki, Sendo, Foody, MOMO…. Tuy nhiên, nhìn tổng quan thì việc đầu tư ở giai đoạn early stage tại Việt Nam vẫn cần hỗ trợ nhiều vì Angel Investor không chỉ đầu tư vốn mà còn cần các sự hỗ trợ khác như mentoring, kết nối mạng lưới quan hệ, tư vấn chiến lược….Những điều này đòi hỏi Angel Investor có kiến thức, mối quan hệ và trải nghiệm đủ trong ngành.

    Năm 2019 là một bước ngoặt lớn đối với Alibaba. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc kỷ niệm 20 năm thành lập và nhà sáng lập Jack Ma từ chức chủ tịch. Kể từ khi thành lập vào năm 1999, Alibaba đã chuyển từ một công ty thương mại điện tử truyền thống sang tập đoàn kinh doanh từ hậu cần, giao đồ ăn đến điện toán đám mây. Đế chế thương mại điện tử này hiện có giá trị vốn hóa lên đến hơn 460 tỷ USD. Kể từ đây, Alibaba được ví như con gà đẻ trứng vàng cho các nhà đầu tư tạo ra lợi nhuận tỷ USD từ việc bán cổ phiếu và các khoản lãi khác từ phát sinh tài chính.

    Ông Yoshiki Sasaki – CEO Quỹ Japan Strategic Capital chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của ông khi đầu tư vào Alibaba – bước ngoặt sáng giá trong cuộc đời đầu tư của ông.

    Từ năm 1990 là thời điểm khởi nghiệp bắt đầu phát triển trong nền kinh tế Châu Á. Năm 1996 mở đầu kỷ nguyên phát triển của Internet. Lúc đó ông Yoshiki Sasaki đang làm vị trí Tổng giám đốc Công ty đầu tư Nhật Bản châu Á (JAIC). Ông được giới thiệu Alibaba và nhận thấy đây là một dự án rất tiềm năng khi thị trường Trung Quốc rất rộng lớn, ai là người kết nối được sẽ là bá chủ trong tương lai. Khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, hầu như tất cả các công ty đầu tư nước ngoài đều rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc, ông làm điều ngược lại, đầu tư 3 triệu USD vào Alibaba (lúc đó Alibaba được định giá trị giá 70 triệu USD với cổ đông lớn nhất là Soft Bank). Với khoản đầu tư này, ông Yoshiki Sasaki đã có ghế trong hội đồng quản trị. Ông Yoshiki Sasaki chia sẻ quan điểm trong đầu tư khởi nghiệp, đầu tư vào con người – startup founder là rất quan trọng vì họ là người phát triển doanh nghiệp. Lý do ông quyết định đầu tư vào Alibaba vì đội ngũ quản lý của Alibaba rất tuyệt vời, mỗi người có một thế mạnh khác nhau và bổ trợ cho nhau. Sau khi thoái vốn khỏi Alibaba, từ khoản đầu tư 3 triệu USD ban đầu, ông đã thu về 70 triệu USD. Từ kinh nghiệm đầu tư tại Alibaba ông chia sẻ:

    Kỹ thuật đầu tư: đầu tư là chấp nhận rủi ro tuy nhiên đây phải là những khoản rủi ro có tính toán và luôn ý thức giảm tỉ lệ rủi ro xuống.

    Phải được ngồi trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp startup: điều này rất quan trọng. Vì việc này có thể quản lý được chủ đích của nhà đầu tư, tìm được sự đồng thuận của hội đồng quản trị vào thời điểm thoái vốn.

    Khi định giá công ty startup thì nên nhìn vào bức tranh toàn cảnh và tiên đoán các vòng gọi vốn tiếp theo để có tầm nhìn cho sự phát triển của công ty startup.

    Hội thảo bước vào phần panel với sự tham gia của 4 diễn giả: Ông Yoshiki Sasaki – CEO Quỹ Japan Strategic Capital, Ông Lê Đăng Khoa – Chủ tịch Le Group Ventures, Bà Nguyễn Quỳnh Anh – Program Manager của Swiss EP, Ông Olivier Raussin – nguyên CEO Quỹ Project A Venture. Panel được dẫn dắt bởi 2 moderator: Ông Attorney Dương Nguyễn – CEO Brian Tracy Việt Nam và Ông Nguyễn Đức An Sơn – Co-Founder Công ty Quản lý Quỹ JAVIS.

    Hai moderator đã khai thác các góc cạnh kinh nghiệm đầu tư của các diễn giả

    Ông Yoshiki Sasaki chia sẻ lời khuyên dành cho nhà đầu tư: chú trọng đầu tư vào con người (startup founder) về tính cách, kinh nghiệm, khả năng; cân nhắc đầu tư vào ngành có thế mạnh; phải đầu tư đúng giai đoạn tức là không đầu tư vào giai đoạn rất nhiều người muốn đầu tư vào dự án.

    Ông Lê Đăng Khoa chia sẻ 5 công ty đầu tiên ông đầu tư thì thất bại 4 công ty. Ông đã học rất nhiều bài học từ những thất bại này để đến hiện tại xác suất đầu tư thành công của ông là 80%. Ông cho rằng bên cạnh việc đầu tư về vốn thì nhà đầu tư phải hỗ trợ các startup về nhân sự, quản lý tài chính, tạo ra một hệ sinh thái để các startups phát triển. Ông Lê Đăng Khoa cho rằng ngoài xem xét yếu tố con người thì nhà đầu tư nên xét thị phần có đủ lớn hay không, có đáng đầu tư hay không.

    Ông Olivier Raussin cho biết 5 tiêu chí cân nhắc lựa chọn startup founder để đầu tư: có niềm tin ở nhau, rõ ràng và đạo đức; founder có niềm đam mê thật sự tìm kiếm giải pháp vì startup không chỉ là kiếm tiền trong vài năm; founder có nền tảng học vấn tốt để có thể nhanh chóng nâng tầm và học hỏi nhanh; founder biết giới hạn của bản thân để thuê những người giỏi làm việc với họ; founder phải có tầm nhìn để chia sẻ với nhà đầu tư, cộng sự. Đầu tư mạo hiểm đòi hỏi nhà đầu tư phải rất cẩn trọng để chọn ra dự án tốt nhất để đầu tư, ông Oliver gặp 150 team startups để chỉ chọn ra 1 team startup để đầu tư.

    Bên cạnh đó, ông Oliver cũng chia sẻ những điều Nhà đầu tư cần tránh: Nhà đầu tư thiên thần nên quyết định đầu tư chậm rãi không nên gấp gáp, có thể liên kết/hợp tác với ban quản trị của công ty startup trước để hiểu về họ trước khi quyết định đầu tư. Khi đầu tư vốn vào công ty không nên nắm quá nhiều cổ phần vì sẽ làm founder trở thành nhân viên làm thuê cho công ty – mất động lực làm việc và các quỹ đầu tư chuyên nghiệp nhìn vào tỉ lệ % vốn nắm giữ quá lớn của nhà đầu tư thiên thầ sẽ không muốn đầu tư vào công ty nữa.

    Bà Nguyễn Quỳnh Anh chia sẻ góc nhìn: có một khoảng trống lớn cho việc đầu tư ở giai đoạn early stage startup vì ở giai đoạn này các nhà đầu tư thiếu thông tin về mô hình kinh doanh chưa kể giai đoạn này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bà cũng cho rằng đầu tư vào khởi nghiệp là đầu tư vào con người nên đừng quản lý quá chặt chẽ, hãy để cho founder có khoảng thở để quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Quan điểm của bà Quỳnh Anh là sự thẩm định đầu tư nên đến từ cả 2 phía, bên cạnh sự thẩm định từ nhà đầu tư thì startup rất nên chủ động thẩm định ngược lại nhà đầu tư để quyết định có nên hợp tác hay không. Vì đây là sự hợp tác win-win cho cả 2 bên, startup có tài chính và sự hỗ trợ cho dự án, ngược lại nhà đầu tư thu được lợi nhuận nếu dự án thành công.

    Hội thảo bước qua phiên buổi chiều với phần pitching của 4 dự án startups nổi bật:

    Dự án Busmap là nền tảng ứng dụng miễn phí hỗ trợ cho người đi xe bus tại Việt Nam. Hiện tại Busmap hỗ trợ trên các nền tảng Web, IOS và Android.

    Busmap giúp chính phủ tiết kiệm 9 triệu USD cho chính phủ vì không cần xây dựng các trạm chỉ đường, 20% số lượng người dùng xe bus công cộng hiện tại sử dụng busmap với hơn 1.100.000 lượt download với chi phí Marketing là 0, chỉ tốn chi phí operation. Busmap phát triển theo hướng Mobility-as-a-Service đón đầu xu hướng smart city (thành phố thông minh). Busmap phát triển theo 4 hướng:

    1. Multimodal Trip Planner: giúp người dùng có một kế hoạch di chuyển tích hợp xe bus và các phương tiện vận chuyển khác
    2. Intergrated Payment System: hỗ trợ thanh toán qua thẻ
    3. Location-based Advertising: bán cho các bên partner quảng cáo
    4. Monetizing Big Data: ký MOU với ĐH Khoa học tự nhiên lập phòng lab để phân tích data hỗ trợ phát triển đô thị hoặc bán cho các công ty tiếp thị ứng dụng.

    Kế hoạch của Busmap trong 2 năm tới sẽ vươn ra khu vực châu Á, cụ thể năm 2020 Busmap sẽ phát triển thêm 1 triệu user mới.

    Bánh Mì Má Hải – Bánh mì chả cá số 1 Việt Nam khởi sự từ năm 2013 từ 1 kios phong cách đường phố và từ năm 2017 Bánh mì Má Hải scale up 2 lần một năm.

    Bánh mì Má Hải có tầm nhìn tái định vị và nâng tầm bánh mì Việt, giúp người Việt có thu nhập tốt hơn. Năm 2013, Bánh mì Má Hải khởi nghiệp với số vốn 2 triệu VNĐ, năm 2015 Bánh mì Má Hải có 50 cửa hàng, từ 2017 Bánh mì Má Hải bắt đầu phát triển mô hình franchise. Market size của ngành bánh mì tại Việt Nam là 1.5 Tỷ USD, 2018 đạt doanh thu 1 triệu USD, 2019 đạt doanh thu 2 triệu USD. Các nhân tố thành công của Bánh mì Má Hải: chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý 15K/ổ bánh mì, chứng minh mô hình hoạt động hiệu quả với văn hóa street food chuyên nghiệp và tận tâm phục vụ khách hàng. Kế hoạch 2020 của Bánh mì Má Hải là đầu tư nhà máy, xây dựng phát triển thương hiệu.

    Meete – Nền tảng kết nối doanh nghiệp dịch vụ thông qua hình thức đánh giá, ưu đãi và chăm sóc khách hàng.

    Meete hướng đến phục vụ hơn 1 triệu cửa hàng tại Việt Nam. Meete cung cấp dịch vụ: media agency inhouse và dịch vụ hỗ trợ: tích điểm, đặt chỗ, phân phối mã ưu đãi cho các cửa hàng F&B, làm đẹp và bán lẻ. Meete tính phí các cửa hàng và các đối tác sử dụng voucher. Định hướng của Meete là chuẩn hóa dịch vụ và gọi vốn để scale up nhanh mô hình.

    Graphene Life – Sản xuất vật liệu graphene từ mỡ động vật tái chế ở quy mô lớn với chi phí thấp.

    Vật liệu graphene có độ cứng hơn thép, độ dẫn điện hơn đồng, nhẹ và có tính linh hoạt, ứng dụng trong điện tử tạo chíp, trong năng lượng tạo pin sạc nhanh, trong vật liệu xây dựng tăng tính va đập và ứng dụng trong cảm biến. Vấn đề gặp phải của graphene là giá, chất lượng và không thân thiện môi trường khi sản xuất quy mô lớn. Giải pháp của Graphene Life đưa ra là sản xuất graphene từ mỡ động vật tái chế có giá thành 1 USD/gram (giá thị trường là 85 USD/gram). Hiện tại Graphene Life đã ký kết hợp tác chiến lược với một đại học Hàn Quốc và đang trong quá trình đàm phán để ký hợp tác chiến lược với KOVA và tập đoàn của Thái SGC.

    Sau phần pitching của 4 startup, BGK đã đưa ra đánh giá, nhận xét:

    Bà Quỳnh Anh cho biết đây là 4 case study điển hình của các early stage startup đang chuẩn hóa business model để bước vào giai đoạn tăng trưởng. Với Graphene Life là startup có hàm lượng nghiên cứu cao nên cần có những vòng kiểm tra công nghệ sau đó.

    Ông Lê Đăng Khoa cho biết cả 4 dự án có founders đều rất trẻ nhưng ông rất ấn tượng với các milestone mà cả 4 dự án đạt được. Ông rất ấn tượng với dự án Bánh mì Má Hải vì hợp khẩu vị đầu tư của ông.

    Ông Yoshiki Sasaki ngoài việc đưa ra các lời khuyên đắt giá cho cả 4 dự án, ông bật mí thêm trong 4 dự án có 2 dự án “lọt vào tầm ngắm” của ông: Meete và Graphene Life vì rất tiềm năng trong hệ sinh thái đầu tư của ông.

    Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng – CEO BSSC cho biết mục đích của hội thảo giúp các anh/chị Doanh nhân/Nhà đầu tư nhìn nhận hệ sinh thái startups Việt Nam có đầy đủ lĩnh vực từ startup có hàm lượng công nghệ cao như graphene đến startup có lĩnh vực kinh doanh gần gũi như bánh mì, từ startup tạo tác động xã hội như Busmap hoặc startup dẫn đầu xu hướng tiêu dùng như Meete. Những lĩnh vực này đều rất tiềm năng trước xu hướng thay đổi của nền kinh tế. Qua đó hướng các Doanh nhân/Nhà đầu tư quan tâm và chuyển dịch đầu tư vào khởi nghiệp.

    Hội thảo đã khép lại tốt đẹp với nhiều giá trị mang đến cho Nhà đầu tư, Doanh nhân và các dự án startup.

     

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    TIN TỨC - SỰ KIỆN